PHƯƠNG PHÁP CÔNG PHU





-oOo-


Pháp lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp



Thiền Là Gì ?

       Thiền không phải là ngồi nhắm mắt nhưng đầu óc lại rối loạn. Nhiều người đã dùng cách này để cầu thần thông, luyện hỏa hầu, mong điều khiển các luân xa, hay muốn xuất hồn, hay cầu giải thoát,... Nếu theo những con đường này, trước sau gì cũng bị rối loạn thần kinh và đưa đến những điều tệ hại nhất. Chúng ta nghe rất nhiều người nói đến thiền, ở đâu cũng nghe, và ai cũng nói được. Hôm nay, tôi sẽ đóng góp về đề tài này theo sự thực hành mà tôi đã bước đi trong một thời gian. 



       Sở dĩ có trang này là vì khi hoàn tất trang blog về 2012, tôi thấy không biết làm sao để giúp được đọc giả một lối thoát. Và tôi cũng nhận được nhiều email hỏi về phương pháp gì tôi đã nhắc trong loạt bài về 2012. Tôi học trường dòng Công Giáo từ nhỏ. Trong một đêm nọ đã lâu rồi, sau một giấc chiêm bao dài, nửa đêm tôi ngồi dậy và cầu nguyện Thượng Đế soi dẫn một con đường vì trong lòng mình cứ thôi thúc phải làm một điều gì đó. Tự nhiên lúc đó trong ý tôi nói phải xếp bằng hai chân và tập trung ngay chỗ cao nhất ở đỉnh đầu để hít hơi thở ra vô nơi đó. Tuy còn nhỏ, tôi không tin và bỏ ngang. Một tuần sau, người bạn ghé nhà và đưa 1 tài liệu về thiền, khi tôi mở ra xem thì trong đó dạy y như lúc tôi đã làm trong đêm đó. Từ đó, tôi thực hành nó và đã giúp tôi thay đổi cả cuộc đời.

       Thiền không phải là ngồi lỳ và nhắm mắt lim dim mơ tưởng 1 cái gì đó hoặc là không nghĩ gì hết. Cái gọi là thiền đang lan tràn thế giới từ xưa đến giờ, ngày nay nó đã mất đi cái tông chỉ sau mấy ngàn năm lưu truyền. Cái thiền ngày nay là cái vỏ rỗng, rất là uổng công cho người thực hành. Thiền ngày nay mà người Tây Phương và tại Á Đông đang thực hành chỉ còn là sự tĩnh tâm. Nó có thể giúp hành giả giảm căng thẳng ở mức độ nào đó thôi. Nó không thể đưa chúng ta đi xa hơn.

       Cuộc sống có hai chiều: một chiều hướng ra ngoài chạy theo ngoại cảnh, một chiều quay vào nội tâm khai thác tâm linh. Ngoại cảnh là vật chất tạm bợ, hưởng cái nhà, cái xe, ăn uống theo mùi vị, dục lạc tiêu hao. Nhưng cuộc sống đó sẽ không kéo dài, một thoáng qua rồi cũng sẽ mất hết. Cho nên mục tiêu đúng nhất của Thiền là quay về nội thức, tìm hiểu chính mình, đi tìm cái bất diệt vĩnh cửu. Nếu áp dụng đúng đường lối của một pháp thiền, nó rất bổ ích cho cuộc sống hiện tại và cho tương lai của hành giả. 

       Tôi đã thực hành phép thiền của Pháp Lý Vô Vi này một thời gian và thấy mình thay đổi nhiều lắm. Từ mọi tánh xấu cho đến sự bịnh hoạn biến mất mà không hay. Càng hành thì tâm linh càng phát triển và hiểu sự kỳ diệu của điển quang cho nên ao ước đem nó ra chia sẻ cho mọi người. Những gì tôi biết và kinh nghiệm gì tôi gặt hái được, tôi sẽ đem ra hết không dấu diếm để hỗ trợ cho bất cứ ai có ý chí quật khởi mưu cầu một lối thoát cho chính mình.


Sơ Lược Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp

    Nếu muốn tìm tòi một triết lý để lý luận thì phương pháp này sẽ không giúp bạn đạt được điều đó vì pháp này là một công thức thực hành giúp chúng ta phục hồi lại cơ tạng và quân bình lại thần kinh. Không rước những lý thuyết vòng vo nữa mà mỗi đêm công phu để đọc kinh sống, đối diện trực tiếp với cái tâm tánh phức tạp gút mắc trong lòng và từ từ thay đổi nó. Tôi nói trước là muốn hành thành công và giải thoát thật sự thì phải rời bỏ hết những triết lý, lý luận, kinh kệ. Tâm ta phải trở về với thuở ban sơ, trong suốt. 


Sơ Lược Nguồn Gốc:

    Pháp Lý Vô Vi được phát minh bởi cụ Đỗ Thuần Hậu khoảng 60 năm về trước. Năm 1957, Ông Lương Sĩ Hằng nương theo công thức căn bản đó và đã tiến rất xa, nâng phương pháp này lên cao đến tột đỉnh. Lúc phát minh ra công thức này, cụ Đỗ Thuần Hậu chủ ý tập trung ở đầu mũi. Sau này, Ông Lương Sĩ Hằng khám phá ra nơi huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu chính là thiên môn đưa điển hồn người tập đi thẳng về Trung Tâm Sinh Lực của vũ trụ. Bách Hội, chính là cửa ngõ của tiểu thiên địa bản thể để câu thông với Đại Thiên vũ trụ... Nó còn là trung tâm Y Dược của cơ thể. Hành giả xử dụng nơi đó sẽ giải quyết được tất cả sự phức tạp của trí óc, tánh tình sẽ thay đổi tốt hơn, hiếm khi bịnh hoạn, tự làm y sĩ trị bịnh nan y của tâm lẫn thân, và tâm linh sẽ phát triển tuỳ theo khả năng của hành giả.

    Suốt hơn 50 năm hướng dẫn Pháp lý Vô Vi cho mọi người, ông Lương Sĩ Hằng đã lưu lại hàng ngàn băng giảng, video. Ông đã truyền ra thêm Pháp Luân Chiếu Minh, Phép Mật Niệm Lục Tự, Thể Dục Trợ Luân, Chưởng Hưởng Dưỡng Khí, Kính Vô Vi, và Mật Niệm Bát Chánh. Các Hội Ái Hữu Vô Vi khắp thế giới cũng đã phát tâm ấn tống rất nhiều tài liệu, kinh sách, CD, Video để hỗ trợ cho người đi sau.

     Nếu đọc giả muốn tìm hiểu thêm về lịch sử của PLVV thì vào các website trên mạng sẽ nói rõ hơn. Ở đây, tôi chỉ tập trung về phương pháp công phu theo kinh nghiệm cá nhân để tất cả mọi người đều có thể thực hành qua mạng internet, nhất là dành cho các bạn tại Việt Nam đã không có cơ hội biết đến.

Những Điều Cần Ghi Nhớ:

Tôi xin gom gọn những điều quan trọng cần biết sau đây theo kinh nghiệm cá nhân của tôi về Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp trước khi các bạn bắt tay vào nghiên cứu nó. Dù đã nhắc rất kỹ trong đây nhưng các bạn vẫn có người không chú ý và lại vấp phải. Những điều dưới đây sẽ giúp các bạn rút ngắn hành trình tu tập. Các bạn nên nằm lòng những điều sau đây:

1) Pháp này không có ai là giáo chủ hoặc sư phụhoặc thầy: chỉ có người đi trước hướng dẫn cho người đi sau. Hoàn cảnh chính là sư phụ mình. Ai xưng mình là thầy và nhận đệ tử trong plvv là đi sai đường, các bạn nên tránh. Không chấp nhận bất cứ ai truyền tâm ấn, ngay khi có Phật hiện ra. Đường ai nấy đi. "Ông tu ông đắc, Bà tu bà đắc". 

2) Bất cứ ai tự xưng là hành gỉa thiền Vô Vi mà hay nói về xuất hồn, xuất vía, mở luân xa, có thần thông, nói tiền kiếp bạn, hay lúc nào cũng bàn sấm cơ, hoặc chỉ bạn sai, sửa pháp, hoặc lôi kéo bạn chia phe lập phái, hoặc muốn làm chánh trị, hoặc đòi trị bịnh, trừ ma ếm quỷ, hay thị phị nói xấu, hoặc hung dữ chửi bới… Thì người này không phải là hành giả Vô Vi.

3) Bất cứ tôn giáo nào cũng tập được. Tôi từ nhỏ đã học trường dòng. Mẹ thì Công giáo, mấy anh chị em là Tin Lành. Bà Ngoại và Cậu thì Phật giáo. Tôi được làm phép rửa tội, rồi phép Bí Tích Thêm Sức. Đến khi thiền theo Pháp Lý Vô Vi rồi mới thấy mình mới thật sự được rửa tội vì tội là nghiệp tâm do tánh xấu tạo ra. Mỗi đêm thiền là tự Rửa Tội và tự Thêm Sức. Tôn giáo nào hành pháp này đều được bởi vì pháp này đưa bạn về với tôn giáo bạn đang theo.

4) Hành giả nên chú trọng việc khôi phục sức khỏe trước hết. Cái xác nó như chiếc xe, chạy lâu ngày sẽ hư hao. Hư chỗ này hư chỗ kia. Bây giờ ta muốn đi đường xa thì phải bỏ công sức tu bổ nó lại. Chúng ta ăn chơi, sanh đẻ, phá hoại thể xác nhiều năm thì giờ phải kiên nhẫn để khôi phục lại nguyên khí. Đó là phải tự trị bịnh, phục hồi lại nguyên khí của ngũ tạng. Đó là trật tự phải đi qua của một hành giả. Một thể xác đầy rẫy bịnh tật, tham sân si, thất tình lục dục mà nhắm mắt thiền thì rất nguy hiểm. Phép Soi Hồn trị tâm bịnh, Pháp Luân Thường Chuyển là trị thân bịnh. Các bạn cứ tập trung hành cho có sức khỏe trước, sau đó những việc khác sẽ tuần tự khai mở, khỏi cần cầu xin.

5) Tinh thần của Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp ngay từ khởi đầu là tự tu tự tiến. Không nhờ đỡ, không chấp nhận mê tín dị đoan. Dù có Phật Tiên Thần Thánh đến xin giúp mình cũng phải từ chối. Dù có vị nào xưng là Thượng Đế hiện ra muốn khai mở cái này cái kia, bạn cũng phải từ chối. Tôn chỉ của plvv là xuất phát đi ra, đi lên, và không chấp nhận sự lệ thuộc bất cứ ai. Tội và Nghiệp của mình phải tự mình tháo gỡ. Bạn cũng có khối óc và Linh Thể như bất cứ tiên phật, không cần chạy theo ai hết. Phải nhớ cái này. 

       Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp là của Thượng Đế ban xuống trong thời kỳ cấp cứu này cho tất cả chúng sanh; nó không phải của tôi, không phải của cộng đồng Vô Vi, cũng không phải của Cụ Đỗ Thuần Hậu hay của ông Lương Sĩ Hằng mặc dù công ơn hai vị này không sao kể siết. Pháp này là của các bạn.

6) Nam Mô A Di Đà Phật: Tôi đã chứng nghiệm được công năng kỳ diệu của nó nhưng không thể giải thích được. Nếu đem lý thuyết trong kinh mà nói thì quá dễ, nhưng nó không đơn giản vậy. Mình có một phép nữa là Ngậm Răng Co Lưỡi, Ý Trụ Đỉnh. Phép này luôn đi chung với 6 âm đó. Khi hai cái này đi chung, nó là mật pháp thần kỳ để đóng lại tất cả các cánh cửa trong bản thể, bất kỳ dù bùa phép hay ma quỷ gì mạnh cách mấy cũng không làm hại được. Khi co lưỡi mật niệm 6 chữ này và trụ ý nơi Bách Hội thường xuyên, hành giả ngày càng tươi tắn, pháp tướng thay đổi, thông minh kỳ lạ, chính mình phải sợ mình. Ông Lương Sĩ Hằng đã cho ra một CD dạy cách niệm này khoảng 30 năm trước. Âm ba chấn động của nó xuống tận từng DNA giải mã và biến đổi DNA thuận theo chiều chấn động trong vũ trụ. Âm ba của 6 chữ đó làm thay đổi tận gốc người nào áp dụng nó. 

      Thượng Đế đã ban plvv xuống thế gian, Ngài còn sợ chúng ta bị bóng tối bủa vây trong thời cực ác này nên còn ban thêm phép Mật Niệm này vừa phòng thân, vừa khai trí. Ngài đã quá chu đáo và lo lắng từng chút. Nếu mình chấp nhất thì chịu thôi, mình là người bị thiệt thòi. 

7) Câu Nguyện: Nếu chú ý, các bạn sẽ thấy Pháp Lý Vô vi tập trung sự chiếu soi của ba luồng điển cao cấp của cả vũ trụ, Quán Thế Âm, A Di Đà, và Di lạc. Ba luồng điển này có bên trong hành giả: Hạnh Từ Bi, Sự Sáng Suốt, và Lòng Hoan Hỉ. Hành giả cần phải nguyện đứng đắn với thành tâm để ba luồng này câu thông với bên trên, nếu vì lý do gì mà hành giả bỏ câu nguyện thì thiền plvv giống như tập thể dục; hoàn toàn không hiệu quả và cơ thể không thể tự vệ lúc thiền.

8) Hành giả tuyệt đối không được sửa pháp. Tài liệu sách vở ghi sao thì làm y như vậy. Khối Trược luôn tìm mọi cách đánh phá cơ đồ xây dựng tâm linh của Thượng Đế. Chớ dùng ý phàm mà sửa chữa bất cứ cái gì trong đó mà mang họa vào thân. Thấy pháp này tự do, ai muốn ra vô làm gì thì làm nhưng phải coi chừng: “Nhân Quả là cánh cửa của Vô Vi.” 

9) Hành giả không nên pha trộn. Pháp nào ra pháp đó, xin chớ vừa hành PLVV mà còn tập thêm cái khác. Qua nhiều tiếp xúc với các bạn mới, tôi tình cờ biết nhiều người trước kia tự tập cách thiền khác rồi ngày nay vẫn tiếp tục hành nó một lúc với PLVV. Việc này tai hại vô cùng vì PLVV là đưa đi lên trong lúc bạn lại luyện mở hoả hầu ở dưới, hay ngồi Soi Hồn rồi thiền kiểu Yoga. Xin hãy chấm dứt ngay và theo cái nào một cái thôi. Luồng điển của mỗi pháp đều phát triển khác nhau, không thể vừa uống thuốc độc vừa uống thuốc giải, hay vừa uống thuốc Bắc thuốc Tây. Chế biến pha trộn, nguy hiểm lắm.

10) Chuyện ngoài tai phải bỏ ngoài tai. Mình thực hành phương pháp công phu này thì nó là của mình. Tập trung mà sửa tâm sửa tánh cho chính mình. Bạn sẽ là một đơn vị độc lập không lệ thuộc bất cứ ai. Tánh hư tật xấu của ai là nghiệp chướng của người đó, chẳng ăn nhập gì vào tâm mình. Mình nghe người này người kia nói ra nói vô rồi lùi bước thì mình tư hại. Đây là một con đường dành cho người có dũng chí cương quyết đi tìm sự thật chứ không dành cho người hay so đo tính toán. Tự hành tự tiến đi thẳng một đường về với Thượng Đế. 

11) Đời Đạo Song Hànhthế gian cái gì cũng là đạo. Đạo làm cha, đạo làm thầy, đạo làm vua, đạo làm con,…chứ không phải theo tôn giáo mới là đạo. Đạo là một đường lối sống, là đường đi, khoa học cũng là đạo. Pháp Lý Vô Vi là một đường đi giúp hành giả sửa chữa lại tâm và thân, làm một cuộc cách mạng vĩ đại và khó khăn nhất trong đời người. Nó bổ túc cho mọi tôn giáo. Bỏ nhà đi, đi đâu rồi mình cũng phải sống nhờ tiền, nhờ ăn cơm mặc áo của chúng sanh.


       Khi thực hành plvv, mình vẫn giữ nguyên nề nếp sống trong gia đình và xã hội. Vẫn phải đi làm nuôi gia đình, vẫn cày bừa siêng năng, vẫn đi nhà thờ hay đi chùa. Tu tại gia còn rất mau tiến và tiến mạnh hơn là vào thâm sơn cùng cốc. Hành giả Vô Vi rất cần sự kích động của đời. Nhờ hoàn cảnh mình mới thấy cái xấu của mình mà sửa chữa lại tâm tánh vì nếu không sửa chữa tâm tánh là vất đi, đời sẽ thất bại triền miên, đạo thì thành ma. Làm đứng đắn pháp này, trong gia đình, bậc cha mẹ sẽ trở nên gương mẫu hơn, con cái hiếu thảo, anh em hoà thuận, bạn bè quý mến. Ngoài xã hội sẽ là những công dân có tinh thần phục vụ không toan tính, và biết hy sinh bỏ cái ta tăm tối để làm chuyện lớn. 


-oOo-


Pháp lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp
Phương Pháp Công Phu


Pháp Lý Vô Vi có 3 phép chánh và nhiều phép phụ. Phép chánh là Soi Hồn, Pháp Luân Thường Chuyển, và Định Thần.

       Người mới bắt đầu chỉ tập 2 phép thôi, đó là Soi HồnPháp Luân Chiếu Minh. Vài chục năm về trước, người ta thường tập trọn bộ liền ba phép chánh trên. Nhưng sau này, người mới hành chỉ nên làm 2 cái đó trong 4-6 tháng rồi mới tập trọn bộ. Lý do là độc chất và trược khí càng ngày càng dày và chúng ta đã bị ô nhiễm rất nhiều. Thân bịnh và tâm bịnh lan tràn, nhiều người có tà khí trong người, có người dính bùa chú, có người ăn đủ loại con, người thì mấy chục năm ăn mắm, đếm lại xem cả đời trong người mình chắc cũng đã rước vô ít nhất mười mấy con bò, vài chục con heo, cùng vô số gà vịt, tôm cua.


       Giai đoạn đầu là phải Soi Hồn để tất cả thần lực của mình sẽ quy tụ trước trán để mách lửa nó bật lên, giống như đề máy xe. Giúp cho thần kinh hành giả khôi phục lại như lúc còn trẻ. Mỗi lần mình giận, tức, ghen, buồn, nghĩ xấu, ác ý,.... là một lần thần kinh bị tổn thương và suy yếu. Làm phép Soi Hồn nó sẽ từ từ làm mạnh nó lại, giúp mình thêm sáng suốt, và bớt nhiều tánh xấu.

       Kế là làm Pháp Luân Chiếu Minh (PLCM) để giải hết độc tố. Hạ tầng cơ sở được yên thì sau này khi thiền tâm mới định. Trong bụng mình là mồ chôn không biết bao nhiêu là sinh linh. Chúng đều có ý chí hóa sanh và nhiều độc tố. Mình cần PLCM để giải nó ra qua ngũ tạng tay chân. Phân phối ý chí hoá sanh tham dục đó đi. Nếu chúng tích tụ lại quá nhiều, mình sẽ bị ý chí hoá sanh đó kích động hạ giới, sánh ra ham muốn tình dục.

       Các bạn nên làm 2 phép này trong suốt sáu tháng đầu. PLCM là luyện cho hơi thở mình được dài và sâu, phục hồi nguyên khí, chữa lành nhiều căn bệnh nan y. Làm PLCM cho tốt thì sau này làm Pháp Luân Thường Chuyển thì hơi bạn sẽ mạnh.

       (Phương pháp rất đơn giản nhưng vì là online nên cần tỉ mỉ. Nếu còn gì chưa rõ, các bạn cứ nhắn tin và tôi sẽ hướng dẫn thêm)





Chú ý: Phần phương pháp công phu này đặc biệt là có chú thích những kinh nghiệm riêng của Starboy để quý bạn thực hành hiệu nghiệm hơn.


1) Tập bất cứ lúc nào trừ ra từ 6h-9h tối. Từ 11h tối đến 1h sáng là tốt nhất (giờ cực dương). Hoặc sáng sớm hay khi đi làm về đều được. 

2) Chân không được chạm đất.

3) Tắt đèn cho tối. 

4) Quay về hướng Nam (bắt buộc, vì hướng Nam là Lửa)

5) Xếp bằng, ngồi bán già, hoặc kiết gìa (kê 1 cái gối  ở mông cho cao hơn chân chứ không phải ngồi cả người lên gối)

6) Lưng, đầu giữ cho thẳng.

7) Chắp tay trước ngực.

8) Tập trung ý trên đỉnh đầu ngay Bách Hội (giữa đỉnh đầu nơi giao nhau hai tai và trước ra sau)



9) Ngậm răng Co lưỡi lại, đầu lưỡi chạm vào nướu răng dưới 2 răng cửa (giữ động tác này suốt luôn đến khi xả thiền)



Co chót lưỡi lên, đầu lưỡi đụng vào nướu của chân răng hàm trên.






Răng trước kề nhau lại nhẹ, gọi là răng kề răng.







1Nguyện: 

Ý niệm toàn câu nguyện này trong sự thành tâm trên Bách Hội như sau: (Không nghĩ đến 6 điểm theo tài liệu cũ đã ghi)


           - Nam Mô A Di Đà Phật (ý niệm 3 lần)

       - Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Quán Thế
         Âm Bồ Tát 
         Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lạc Tôn Phật 
         Chứng minh cho đệ tử là (họ tên của bạn) tu
         hành đắc đạo (Ý niệm nguyên câu gạch dưới 2 lần)

       - Đệ tử nguyện từ đây sẽ quy y Phật, quy y Pháp, 
         quy y Tăng.

       - Nam Mô A Di Đà Phật Vạn Vật Thái Bình.

[Chú thích của Sb: 
Lúc niệm các bạn phải nghĩ tới các vị đó trong sự thành tâm.
 Thầy dặn là phải niệm chậm chậm. 

Xá 3 cái, rồi làm phép Soi Hồn.
                            
Xem Hướng dẫn câu Nguyện




2. Phép Soi Hồn

    Nguyện xong thì chậm chậm đưa tay lên SH. 15 phút  thời gian vừa đủ để khí điển của Tim Gan Thận theo 3 ngón tay đem lên bộ đầu, tạo thành một khí lực nuôi thần kinh bằng khí điển ngũ tạng và tung ra mách điển lửa ở trước trán. Không làm ít hơn 5 phút và quá 15 phút. SH xong thì bỏ tay chậm chậm xuống.

1)    Ngậm răng, co lưỡi (suốt thời gian Soi Hồn)

2)    Từ từ đưa hai cánh tay lên ngang vai. Dùng đầu hai ngón tay cái đút vào bịt kín hai lỗ tai. Bịt thật kín.

3)    Kế, dùng đầu hai ngón tay giữa để nhẹ ngay giữa mắt rồi kéo chằn ra rồi chận giữ lại ở khớp xuơng cuối khóe mắt đừng cho nó tuột. 

4)    Kế, dùng đầu hai ngón tay trỏ chận nhẹ trên mí tóc ngay màng tang (chỗ giáp ranh của mí tóc). 


5)    Ngón áp út và ngón út co lại vào trong lòng bàn tay.


6. Ðầu thẳng, gầm cằm xuống một chút đừng ngước lên, rồi
    trụ ý trên Bách Hội ra lệnh bằng ý ngay đó 2 lần: “Cố
    gắng tập trung 3 báu linh Tinh Khí Thần


7.     Mắt vẫn nhắm nhưng nhìn thẳng ra trước và sau đó chuyển Ý tập trung hết ý lực giữa 2 chân mày tới lúc chấm dứt. Lắng nghe điển trổi lên bộ đầu, hơi thở bình thường. Ngồi thẳng lưng. Hai cánh tay thẳng song song với lưng, ngang với đầu, và song song với mặt đất. Bạn muốn coi tay có đúng không thì ngó ngang qua trái phải, nếu cánh tay ngang và thẳng với đầu là đúng.

8. Pháp này có thể làm bất cứ lúc nào trong ngày sau phần nguyện tập cho thần kinh khối óc được ổn định. Nhưng tránh không làm từ 6-9 giờ tối. Sau 9 giờ được làm.Thời gian tập pháp Soi Hồn ít nhất là 5 phút và nhiều nhất là 15 phút. Không được quá 15 phút và ít hơn 5 phút. Cố gắng tập dần lên đến 15 phút.

Chú Thích:

* Soi Hồn: Soi Hồn là quy nguyên thần kinh  khối óc. Nó rút độc tố trong gan lên ngón cái rồi bung ra ngoài. Tánh nóng hết hồi nào không hay. Cho nên nếu bạn thấy người nào xưng là hành giả vô vi mà tâm tánh nóng nãy, sân si, tức là người này không hành đúng pháp. Ngón cái sẽ rút uất khí của gan khi Soi Hồn. Tánh nóng sẽ bớt nhiều lắm.

* Cắn răng lại thấy nó nổi lên thì đó là vùng chận ngón trỏ.   Chận nhẹ thôi, đừng có bấm mạnh. 





Phần Hướng Dẫn Bổ Túc 3 Ngón Tay Lúc Soi Hồn

(Thực hiện bởi bạn Nguyễn Quang, USA)

Giải Thích: (ông Lương Sĩ Hằng giảng về SH)

"Trên thế gian này chưa có tôn giáo nào thực hành pháp soi hồn, pháp này giúp cho bạn khai mở trung tâm điểm của bộ đầu gọi là Thiên Môn hay Hà Đào Thành và chấn động lực của luồng điển sẽ phát triển mãi mãi đến vô cùng tận. Khi chúng ra đưa hai tay ngang vai, tất cả các thần kinh của ngũ tạng, tim, can, tỳ, phế, thận, đều hoạt động và toát mồ hôi.

 Lúc đầu hai ngón tay bịt kín lỗ tai thì người mới tu, tánh còn nóng, cảm thấy lỗ tai nghe ồ ồ... tu lâu bạn sẽ không còn nghe ồ ồ nữa, lúc đó bạn cảm thấy tinh thần sáng suốt... Người mới tu làm pháp Soi Hồn để khôi phục thần lực đã bị mất đi trong ngày, vì làm việc, vì sinh hoạt chúng ta phải dùng tất cả khả năng sẵn có của chính mình, dùng điển để đổi lấy đồng tiền chén cơm, thì không thể nào không bị suy yếu thần kinh. Khi ta làm việc trở về, ta làm như thế (Soi Hồn) là ta khôi phục lại chấn động lực của khối óc. Khi bạn dùng hai ngón tay cái bịt kín hai lỗ tai là bạn đang hội tụ luồng điển về bộ đầu và tập trung nó vào giữa hai chân mày. Ngón trỏ và ngón giữa của bạn chận lên màng tang nơi chân tóc và ở giữa xương khóe mắt thì luồng điển cũng chuyển chạy về trung tâm chân mày. Khi bạn đã có khả năng tập trung được luồng điển đó rồi thì ánh sáng sẽ phóng ra từ nơi Ấn Đường, trung tâm giữa chân mày, tiến thẳng một đường lên trung tâm của càn khôn vũ trụ. Lúc đó chúng ta càng ngày càng cảm thấy thong thả nhẹ nhàng hơn. Người mới tu nên làm pháp này ít nhứt sáu tháng để chấn chỉnh bộ óc. Sự động loạn đả thu hút trần trược quá nhiều, cho nên chúng ta phải chấn chỉnh khối óc trước tiên. Người mới tu không cần thiết giờ giấc. Giờ rảnh có thể làm pháp Soi Hồn để cho giảm bớt sự động loạn không cần thiết của cuộc đời đau khổ hiện tại".

(Phương Pháp Công Phu, Culver City, tháng 7, 1982)



3. Pháp Luân Thường Chuyển:

  • Soi Hồn xong, bỏ hai tay xuống chậm chậm, hai cánh tay khép song song vào hông, ngồi cho thẳng.
  •  Hai lòng bàn tay úp xuống đùi. Mắt nhìn thẳng.
  • Cằm hơi gàm vô cổ (ót thẳng với xương sống)
  • Mắt vẫn nhìn thẳng phía trước, ý tập trung tất cả vào Ấn Đường. Ý trụ trên Bá hội rồi ra lệnh: “Đầy rún đầy ngực tung lên bộ đầu" (phải ra lệnh)
  •  Rồi hít vô chầm chậm bằng mũi. Trong lúc hít vào thở ra, ý vẫn tập trung Ấn Đường. 
  • Khi hít vô, hơi thở đến đâu là bụng nở ra tới đó, ngực không đụng đậy. Hít vào cho đến khi không hít được nữa. 
  • Khi đầy bụng, thở ra từ từ. Khi thở ra đến cạn hơi thì ép (hóp) bụng vô sát.



Chú thích Sb:
khi hít hơi vào hoặc thở ra tuyệt đối không chú ý tới hơi thở, tất cả ý lực dồn vào Ấn Đường.
  •   Thở 6 hơi như vậy rồi ngưng. Ý niệm trên đỉnh câu “ Đầy rún đầy ngực tung lên bộ đầu” mỗi khi bắt đầu hít vô. Hơi thở không được cắt quãng: nghĩa là thở như mọi khi mình thở trong ngày nhưng hơi dài hơn sâu hơn. >>>> Thở cho chậm, dài, nhẹ, và sâu! (thở nhẹ cọng lông để trước mũi không lay động)

* Chú ý là hơi thở ra và vô nên luôn bằng nhau.


4.  Định Thần:

   Làm Thường Chuyển xong, hai cánh tay không kẹp hông nữa. Hai tay để trên đùi như cũ hoặc bắt ấn, ngồi thật thoải mái.

  •     Vẫn co lưỡi răng kề răng
  •     Ý trụ đỉnh đầu (bá hội) và ý nói“Cố gắng xuất hồn   về Trung Tâm Sinh Lực của Càn Khôn Vũ Trụ để học   đạo” .
  •     Rồi từ đó, mắt nhìn ra trước, ý luôn tập trung giữa hai chân mày và dỗ ngủ hoặc nghĩ trên đỉnh đầu và dỗ ngủ. Điểm này xin liên lạc nếu có thắc mắc.
  •       Ngồi lâu chừng nào cũng đuợc


5. Xả Thiền

Đinh Thần xong thì xả thiền. Phải làm để điển hồi lại vào bản thể, tốt phổi, tốt da, chân không bại xụi.

    - Nhẹ nhàng đưa 2 bàn tay úp nhau, chỉa thẳng lên trần, chà mạnh nhau cho nóng, rồi áp vào mũi hít hơi đó vào. 

    - Úp 2 lòng bàn tay, xoa ngược lên đầu rồi xoa xuống tai, rồi dùng ngón cái và ngón trỏ (cong lại) bóp và kéo chằn thuỳ tai nhiều lần. Các bạn có thể làm theo clip hướng dẫn bên dưới.

    - Lặp lại động tác trên 3 lần. Đừng bỏ qua động tác này để cho điển hồi lại vào đầu.

      
    - Xong, xoa bóp bắp đùi xuống tới mắt cá. 

    - Kế, dùng tay cầm ống chân rồi 2 chân úp vào nhau chà mạnh 2 lòng bàn chân 50 lần cho mạnh và nóng. (bàn chân toàn là huyệt đạo toàn thân)

     Xem: Xả thiền và Lời khuyên

                                



------------------------------------


Lời Dặn Trong Lúc Công Phu:


  • Bắt đầu thiền trong khoảng thời gian từ 11g đêm – 1g sáng (giờ Tý, cực dương), đây là giờ công phu chánh.
  • Mở băng giảng suốt từ đầu cho đến khi nào băng hết hoặc “đủ đô” thì xã thiền. Hành giả cần nghe băng giảng suốt lúc công phu, mình mượn thanh điển trong băng để đưa ý đi lên và cho lục căn nó nghe để dễ thiền.
  • Nhớ thiền sau 3 tiếng sau khi ăn cơm. Phải để bụng trống. Tốt nhất là không ăn gì sau 6g chiều, sẽ thấy thiền tốt hơn rất nhiều.
  • Trong lúc Định Thần mà tâm ý lung tung thì niệm phật.
  • Từ đầu đến cuối nếu ngứa ngáy, nhột,… tuyệt đối không nhúc nhích, không gãi, bạn gãi là trược khí chạy vô trở lại. 
  • Nếu thấy cảnh này cảnh nọ, ánh sáng hay bất cứ gì, đừng chú ý đến, mặc nó. Có ai xưng là Phật hay thấy ánh sáng cũng mặc, không cần mấy thứ này. Dụng ý chí giải thoát, dứt khoát không mê hình tuớng, màu sắc. Thấy Phật hiện ra cũng dẹp qua một bên! Tui tu cho tui và đi thẳng về trời.

Bấm vào link để xem

Các Pháp hành thêm rất cần thiết là:
* Mật Niệm Bát Chánh 
* Chưởng Hưởng Dưỡng Khí
* Thể Dục Trợ Luân
* Lạy Kính Vô Vi
* Mật Niệm Chú sau khi ăn
* Mật Niệm Lục Tự Di Đà 
* Niệm hành (khi đi bộ)